CLB Ca Trù Thăng Long

Ra đời từ sớm, Ca trù được hoàn thiện cơ bản về lối hát chơi vào thế kỷ XV, và trải qua quá trình phát triển lâu dài, Ca trù đã xâm nhập vào hầu hết các mặt của đời sống người Việt, khẳng định tư cách độc lập và độc đáo trong bức tranh văn hóa chung của dân tộc.
   Sự hồi sinh của nghệ thuật Ca trù trong khoảng vài năm trở lại đây ít nhiều ghi dấu ấn của các câu lạc bộ Ca trù, mà hoạt động của họ dần dà đã đem đến cho nghệ thuật Ca trù hơi thở mới.
   Được thành lập vào tháng 8/2006 với mong muốn bảo tồn nghiệp tổ Ca Trù, Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long hiện là nhóm đi tiên phong trong việc phục hồi hình thức Hát Cửa Đình với đầy đủ các thể thức như dàn bát âm và các làn điệu múa hát cổ cửa đình.
   Nếu các CLB Ca trù chủ yếu sinh hoạt tại một địa điểm bất kì, miễn là thuận lợi cho hội viên và khán giả đến nghe thì CLB Thăng Long mạnh dạn đi thêm bước nữa - đưa nghệ thuật ca trù "trở lại" với không gian Hát cửa đình.
   CLB do đào nương và cũng là kép đàn Phạm Thị Huệ làm chủ nhiệm, tuổi ngoài ba mươi, cùng các thành viên như Thu Thuỷ, Thuỳ Chi, Kim Ngọc, Lệ Nhật, tuổi đời trên dưới hai mươi, lẫn đào nương nhí Huệ Phương - mới mười hai tuổi, Linh Hương - mười lăm tuổi.
   Với tinh thần trở về với cội nguồn, CLB Ca trù Thăng Long đã thuyết phục được ban quản lý đình làng Giảng Võ ở quận Đống Đa, Hà Nội - cho phép được hoạt động trong khuôn viên. Đây là nơi thờ Thần hoàng Hoàng Lý Châu Nương (nhân dân thường gọi là Đình bà chúa kho). Đình Giảng Võ đã được bộ Văn Hóa và Thông Tin xếp hạng di tích lịch sử ngày 20 tháng 7 năm 1994 (Hiện nay CLB Ca trù Thăng Long thường xuyên tổ chức biểu diễn phục vụ du khách vào 8:00 thứ 7 hàng tuần tại Đền Quan Đế - 28 Hàng Buồm.)
Vào dịp cuối tuần, bầu đoàn đào nương, kép đàn CLB Ca trù Thăng Long lại "đỏ đèn" biểu diễn và truyền dạy Ca trù ngay trong khuôn viên cửa đình.
Tính riêng từ tháng Tám 2006 đến nay CLB đã tổ chức truyền dạy và biểu diễn Ca trù định kỳ hằng tuần tại các đình làng hàng trăm buổi.
Trong không gian Hát cửa đình, CLB cũng ra tổ chức Đêm Ca trù tưởng nhớ NSND Quách Thị Hồ 7 năm ngày mất (4.1.2001 - 4.1.2008), vị đào nương được gọi là "huyền thoại Ca trù".
Đêm Hát cửa đình đầy ý nghĩa đó đã thu hút khá đông nghệ nhân, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, khán giả... như đệ nhất kép đàn Nguyễn Phú Đẹ, đệ nhất đào nương Nguyễn Thị Chúc, các nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, Đặng HoànhLoan , nhạc sĩ Ngọc Đại.
Đấy có lẽ cũng là một mốc son của nghệ thuật Ca trù trong thời hồi sinh hiện nay.
Đặng Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét